CTTĐT – Đây là một trong số mục tiêu quan trọng được UBND tỉnh Lào Cai đặt ra tại Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 05/5/2023 nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, năm 2023 tỉnh Lào Cai hướng đến 05 mục tiêu chính trong phát triển du lịch gồm: (1) Phấn đấu đón 6 triệu lượt khách du lịch trở lên. (2) Tổng thu từ khách du lịch đạt 20.500 tỷ đồng. (3) Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút 33.000 lao động, việc làm trong lĩnh vực du lịch. (4) Tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh: 1.360 cơ sở; trong đó số buồng tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao: 4.500 buồng. (5) Nâng cao chất lượng các nhóm sản phẩm du lịch chính của tỉnh theo tiêu chuẩn ASEAN và phát triển từ 02 – 03 sản phẩm du lịch mới.
Dịp nghỉ lễ 30/4 – 01/5, khách du lịch tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn khi đến Lào Cai (ảnh: LCĐT).
Để đạt được các mục tiêu đề ra, 08 nội dung với nhiều hoạt động, nhiệm vụ sẽ được Lào Cai triển khai thực hiện trong năm 2023. Trong đó các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện Khung chiến lược 2023; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện. Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm, nêu gương, chủ động đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của cá nhân, người đứng đầu trong xây dựng, triển khai quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển du lịch thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Cùng với đó tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 9/4/2021 của HĐND tỉnh Lào Cai quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 1845/QĐ-TTg ngày 26/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030 gắn chặt với Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2040 và quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Rà soát, đánh giá tiêu chí, điều kiện của các điểm du lịch đã được công nhận trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên hỗ trợ, phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp hoàn thiện các tiêu chí đã xuống cấp. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, mến khách. Xây dựng và ban hành Quy định về quản lý hoạt động du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Xây dựng đề án, kế hoạch du lịch xanh, thông minh, khác biệt. Xây dựng Bộ Chỉ số quản lý điểm đến du lịch (DTMI) để đánh giá hiệu quả hoạt động du lịch và công tác quản lý nhà nước về du lịch của các địa phương. Xây dựng phương án thành lập Ban Quản lý khu du lịch quốc gia tỉnh Lào Cai. Xây dựng phương án đón khách Trung Quốc trong điều kiện bình thường mới. Tổ chức điều tra thống kê khách du lịch, điều tra đánh giá tỷ trọng du lịch trong GRDP của tỉnh. Xây dựng Đề án phát triển du lịch huyện Văn Bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham mưu công tác quản lý nhà nước về du lịch các cấp; đào tạo, thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch và đội ngũ hướng dẫn viên; quản lý chất lượng các dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chương trình đào tạo tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Anh cho lao động trong ngành du lịch của tỉnh. Nghiên cứu xây dựng Đề án vận hành cơ sở đào tạo nghề, ngoại ngữ du lịch.
*Tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch
Triển khai thực hiện Kế hoạch Xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2023 – 2025. Bảo trợ thông tin, quảng bá du lịch Lào Cai trên Tạp chí Du lịch, Báo Lào Cai. Tuyên truyền, quảng bá du lịch của địa phương trên Đài Truyền hình Việt Nam. Xuất bản tập gấp giới thiệu về du lịch cộng đồng, du lịch Sa Pa. In ấn bộ công cụ nhận diện thương hiệu Lào Cai để phục vụ quảng bá du lịch Lào Cai tại các hội chợ, hội thảo, hội nghị, họp báo trong năm 2023.
Tuyên truyền, quảng bá kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa.
Tổ chức các chương trình, hội nghị xúc tiến du lịch Lào Cai tới thị trường du lịch Thái Lan, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Tuyên truyền quảng bá về du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác về văn hoá, góp phần quảng bá hình ảnh văn hoá, con người Lào Cai đến bạn bè, du khách. Tham gia Hội chợ Tây Bắc tại Phú Thọ, Hội chợ Quốc tế Việt – Trung, Hội chợ Du lịch quốc tế VITM tại Hà Nội, Hội chợ Du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (ITE),…. Tổ chức Ngày hội Văn hoá – Du lịch Sa Pa tại thành phố Cần Thơ, Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh.
Phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là các doanh nghiệp lớn thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh với quảng bá thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp; đồng thời có cơ chế phối hợp, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm hợp lý bảo đảm tính khuyến khích để các doanh nghiệp đồng hành trong công tác phát triển sản phẩm và quảng bá xúc tiến du lịch.
Cung cấp tài liệu tuyên truyền, quảng bá về du lịch Lào Cai để hướng dẫn các cơ quan báo chí trong tỉnh, các cơ quan báo chí của Trung ương có văn phòng đại diện và phóng viên thường trú tại tỉnh Lào Cai; các bản tin, trang/cổng thông tin điện tử và hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền, quảng bá về du lịch Lào Cai năm 2023.
*Xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc sắc
Tiếp tục duy trì và nâng cấp các sản phẩm du lịch đã trở thành thương hiệu của Lào Cai như: Lễ hội Tuyết Sa Pa, Tái hiện chợ tình Sa Pa, Sa Pa – Thổ cẩm và Hoa 2023, Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà, Lễ hội Tình yêu và Hoa hồng, Đêm Chợ tình Sa Pa,…
Đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc sắc “Xây dựng Đề án phát triển Khu du lịch Bắc Hà trở thành khu du lịch đặc sắc của tỉnh và Khu vực Tây Bắc”. Xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm trên sông Chảy kết nối giữa các địa phương huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Yên; trải nghiệm văn hoá du lịch ẩm thực ẩm thực Tày, xã Nghĩa Đô và Hà Nhì tại xã Y Tý vào mùa lúa vàng. Xây dựng, phát triển 04 sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm: trượt thác, kayak, xe đạp, trượt dây theo tư vấn của Pháp. Xây dựng mô hình bảo tồn văn hóa phi vật thể truyền thống dân tộc huyện Mường Khương (khôi phục Lễ hội Gầu Tào xã Pha Long). Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân ca dân vũ của người Bố Y tại xã Thanh Bình phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân ca dân vũ người Nùng tại xã Nấm Lư phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Tổ chức lễ hội Đền Mẫu, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát; lễ hội mùa Thu huyện Bát Xát; tổ chức Giải đua xe đạp “Đi giữa mùa hoa Đỗ Quyên”, …
Khảo sát, nghiên cứu, xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp. Xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái, du lịch leo núi tạo sinh kế cho người dân tại các xã có đỉnh núi cao của huyện Bát Xát, thị xã Sa Pa. Lựa chọn một số làng (thôn) thuộc huyện Bảo Yên, Bát Xát, Bắc Hà, thành phố Lào Cai như: xã Nghĩa Đô (Bảo Yên), xã Bản Liền (Bắc Hà), thôn Lao Chải (xã Y Tý, Bát Xát) để xây dựng thành làng du lịch cộng đồng điển hình, nổi bật của tỉnh Lào Cai. Tổ chức tọa đàm, hội thảo nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống theo hướng bền vững bao trùm và đa giá trị.
*Phát triển du lịch thông minh và đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch
Quản lý, sử dụng có hiệu quả cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Lào Cai (laocaitourism.vn); duy trì tên miền và Shared Hosting cho website: dulichlaocai.vn, dulichtaybac.vn, sapa-tourism.com; tích cực ứng dụng nền tảng, mạng xã hội phục vụ quảng bá du lịch như: zalo, facebook, tiktok,….
Triển khai Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21/12/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Phê duyệt đề án ‘‘Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Thực hiện hiệu quả Đề án số 08-ĐA/TU về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông giai đoạn 2022 – 2025 đối với phần mềm du lịch thông minh. Xây dựng sản phẩm du lịch thực tế ảo tại Nhà du lịch Sa Pa và Nhà du lịch Bắc Hà.
Triển khai thực hiện các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch với Hiệp hội Du lịch kết nối hoạt động của các doanh nghiệp du lịch của Vùng Nouvelle Aquitaine – CH Pháp, Vân Nam – Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan,… Triển khai hợp phần xây dựng trung tâm diễn giải văn hóa – du lịch tại dinh Hoàng A Tưởng theo tư vấn chuyên gia Pháp. Xây dựng vườn đa dạng sinh học tại Nhà du lịch Sa Pa theo tư vấn Pháp.
*Đầu tư cơ sở vật chất du lịch
Đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối Khu du lịch Sa Pa với các địa phương trong tỉnh. Mở mới đường lên đỉnh núi Cô Tiên, huyện Mường Khương. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và các dịch vụ hỗ trợ phục vụ phát triển du lịch đạt chuẩn các tiêu chí ASEAN. Nâng cấp hệ thống các khách sạn từ 3 sao trở lên theo tiêu chuẩn Việt Nam, đáp ứng các tiểu chuẩn ASEAN. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án lớn: Công viên văn hóa Mường Hoa; Công viên văn hóa Sa Pa; Sân Golf Bản Qua – Bát Xát; Khu quần thể du lịch, vui chơi giải trí ga đi Cáp treo; Dự án du lịch sinh thái Biển Mây Bát Xát,…
Tiếp tục thu hút các dự án đầu tư lớn về vui chơi giải trí, trung tâm thương mại – dịch vụ, hệ thống nhà hàng ẩm thực, casino tại khu vực Đồi Con Gái; dự án du lịch cao cấp kết hợp sinh thái nông nghiệp, hệ thống resort đạt chuẩn quốc tế tại khu vực thung lũng Mường Hoa – Lao Chải – Hầu Thào; dự án nghỉ dưỡng tại khu vực Sâu Chua,…
Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng viễn thông, điện, nước, dịch vụ tài chính phục vụ khách du lịch; cải thiện, nâng cấp dịch vụ vệ sinh môi trường; xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn du lịch. Nâng cấp Nhà du lịch Sa Pa trở thành Nhà du lịch cấp vùng theo tư vấn của chuyên gia vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) để phục vụ khách du lịch có thu phí.
Đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích danh thắng và cơ sở vật chất Nhà Bảo tàng tỉnh. Tăng cường đầu tư hệ thống thiết chế, trang thiết bị văn hóa gắn với phục vụ phát triển du lịch. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật các dân tộc tỉnh Lào Cai phục vụ phát triển du lịch: Sưu tầm, bảo tồn và phát triển dân ca Mông (một số bài hát cổ), dân ca Hà Nhì huyện Bát Xát. Thực hiện điền dã, chụp ảnh, số hóa trang phục truyền thống dân tộc Tày, Nùng phục vụ trưng bày, nghiên cứu, lưu trữ, quảng bá. Xuất bản sách ảnh về cổ vật Lào Cai…/.